SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp với công nghệ xanh

Orcan Energy Ag, công ty spin-off từ Đại học Công nghệ Munich (TUM-Technical University of Munich), Đức, đã thành công từ khởi nghiệp và không ngừng sáng tạo với công nghệ tận dụng nhiệt thải của các ngành công nghiệp để phát điện không phát thải khí CO2.

Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch, có trụ sở tại Munich, Orcan Energy Ag (sau đây gọi tắt là Orcan) được các nhà nghiên cứu Richard Aumann, Andreas Sichert và Andreas Schuster thành lập vào năm 2008. Orcan cung cấp các giải pháp năng lượng trên cơ sở chu trình Organic Rankine Cycle (ORC) để chuyển đổi nhiệt thải của nhiều ngành công nghiệp khác nhau thành điện.

Chu trình Rankine (Rankine Cycle) do William John Macquorn Rankine,  kỹ sư người Scotland đề xuất vào giữa thế kỷ 19, còn gọi là chu trình turbine hơi hay chu trình động cơ điện hơi nước. Trong các nhà máy điện hoạt động theo chu trình Rankine, hơi nước được tạo ra bằng cách đốt các nhiên liệu hóa thạch (như than), sau đó được dùng để chạy turbine phát điện. Sau khi qua turbine, hơi được ngưng tụ để hóa lỏng và đưa trở lại bể chứa. Chu trình Rankine được ứng dụng rộng rãi và được đưa vào giáo trình đào tạo về động cơ điện hơi nước.

Chu trình ORC (còn gọi là chu trình Rankine hữu cơ), tương tự như chu trình Rankine sử dụng nước nhưng nước được thay bằng chất trung gian hữu cơ có nhiệt độ sôi thấp. Chu trình ORC tạo ra điện từ nguồn nhiệt thải có nhiệt độ thấp nên có khả năng mở rộng ứng dụng, có thể chuyển đổi nhiệt thải từ xưởng sản xuất, từ sinh khối, địa nhiệt hoặc nhiệt từ suối nước nóng,…thành điện năng. Đây là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để tận dụng nguồn nhiệt thải dồi dào nhưng chưa được sử dụng để chuyển thành điện mà không phát thải CO2, giúp các doanh nghiệp sản xuất giảm chi phí năng lượng, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Dù phát triển công nghệ trên cơ sở ứng dụng chu trình ORC vô cùng phổ biến, nhưng Orcan đã đứng vững trên thị trường nhờ vào sản phẩm đơn giản và dễ sử dụng, có thể ứng dụng ở quy mô nhỏ, hiệu quả và tính kinh tế cao. Orcan hiện là công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng sạch, tái sử dụng nhiệt thải hàng đầu thế giới.

Khởi nghiệp

Orcan có xuất phát điểm từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức cho các công ty khởi nghiệp ở các trường đại học. Khởi đầu từ năm 2004, khi nhóm nghiên cứu được giao nhiệm vụ phát triển một hệ thống ORC nhỏ gọn, đạt hiệu quả kinh tế để tái thu hồi nhiệt thải tại TUM. Từ kết quả nghiên cứu này, Orcan được thành lập, với sản phẩm đầu tiên được đặt tên là ePACK (efficiency PACK). Ngay từ lúc khởi đầu nhóm nghiên cứu xác định sẽ phát triển hệ thống phát điện siêu nhỏ, mạnh, linh hoạt, dễ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng; đồng thời có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để khai thác nguồn nhiệt phong phú, tiềm năng khắp thế giới. Đây là lý do chính để nhóm nghiên cứu sử dụng các bộ tiêu chuẩn đã được xác minh để phát triển ePACK dưới dạng môđun chuẩn, nhỏ gọn, ứng dụng được ở quy mô nhỏ, điều khiển tự động, hiệu quả kinh tế cao và không phát thải khí CO2. Mỗi ePACK tạo ra điện năng tối đa 200 kW, tuy nhiên nơi có nguồn nhiệt thải lớn có thể linh hoạt thay đổi và kết hợp các môđun ePACK lại với nhau nên có thể lắp đặt công suất lên đến 5MW hoặc hơn nữa.

Sản phẩm của Orcan trên nền tảng ORC có thể sử dụng nguồn nhiệt thấp từ 60°C trở lên. ePACK đầu tiên được ứng dụng trong nông nghiệp, với hệ thống khí sinh học vào năm 2014. Sau đó là các hệ thống tái sử dụng nhiệt thải trong công nghiệp hàng hải và mở rộng tận dụng nhiệt thải từ nhiều nguồn khác nhau (các xưởng đúc, nhà máy bia, động cơ xe tải, sản xuất thủy tinh hay vật liệu xây dựng,…). Sử dụng ePACK phát điện không phát thải CO2, giá thành chỉ khoảng 0,04 Euros/kWh; ở quy mô lớn có thể giảm còn 0,03 Euros/kWh. Điện phát ra có thể sử dụng hay bán để hòa vào lưới điện. Orcan cung cấp giải pháp chuyển đổi nhiệt thải thành điện không phát thải CO2 dưới dạng chìa khóa trao tay cho các doanh nghiệp.

ePACK là giải pháp năng lượng đơn giản, được chuẩn hóa khi thiết kế và chế tạo nên giá thành giảm thấp, đạt hiệu quả kinh tế. Hiện có khoảng 70 hệ thống đang hoạt động, tạo ra khoảng 7 GWh tại châu Âu (phổ biến ở Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan, Lithuania, Ý, Vương Quốc Anh,…). Các hệ thống khí sinh học ở Đức hiện nay phần lớn sử dụng ePACK, ngành hàng hải cũng đang gia tăng sử dụng ePACK vì có thể kết nối với các động cơ mới hoặc cũ của tàu.

Tài sản trí tuệ: nền tảng của doanh nghiệp

Sản phẩm của Orcan dựa trên chu trình ORC khá phổ biến nên rất dễ bị sao chép khi tung ra thị trường, do đó việc quan trọng là phải đăng ký bảo hộ các sáng chế. Liên quan đến ePACK, có 8 sáng chế ban đầu được TUM nộp đơn đăng ký bảo hộ. Khi doanh nghiệp khởi nghiệp tách khỏi trường đại học và hoạt động độc lập, việc sở hữu sáng chế mang tính quyết định khi gọi vốn đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn đầu. Andreas Sichert, nhà sáng lập, đồng thời là CEO của Orcan, cho biết, phải thực sự sở hữu sáng chế, hơn là chỉ được cấp phép sử dụng vì: (1) Đảm bảo công ty trực tiếp quản lý và kiểm soát sáng chế, tài sản cốt lõi của công ty khởi nghiệp. Đây là điều rất quan trọng đối với nhà đầu tư; (2) Thông qua sáng chế, các nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi lại vốn đầu tư ngay cả khi công ty công nghệ non trẻ thất bại. Điều quan trọng là Orcan nhận được bằng sáng chế nhanh nhất có thể!

Dù TUM hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng vẫn phải bảo vệ quyền lợi cho những nhà sáng chế và tiền thuế đóng góp từ người dân bằng sự đảm bảo giá cả hợp lý và cạnh tranh trên thị trường, khi chuyển giao các sáng chế cho Orcan. Trên thực tế, việc đánh giá giá trị thị trường của sáng chế là việc rất khó khăn. Tuy vậy, không mất nhiều thời gian để đàm phán, năm 2010, TUM thỏa thuận chuyển giao sáng chế cho Orcan với phí hoàn trả được xem là hợp lý, “Không có bằng sáng chế thì chúng tôi sẽ không bao giờ thu hút được được nguồn vốn đầu tư trong thời kỳ đầu từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, Andreas Sichert cho biết.

Với công ty công nghệ như Orcan thì chỉ với một vài sáng chế được bảo hộ sẽ không đủ để bảo vệ sản phẩm không bị sao chép. Do đó, các tài sản trí tuệ có trong các sản phẩm bán trên thị trường của Orcan phải được bảo vệ chắc chắn. Phát triển số lượng sáng chế được bảo hộ là cách thức thông minh của Orcan, từ đó, vai trò của sáng tạo được đánh giá quan trọng. Nhân viên được khuyến khích hoạt động nghiên cứu và bộc lộ các sáng chế của mình. Các sáng chế tiềm năng sẽ được phân tích đánh giá trước khi nộp đơn bảo hộ sáng chế. Tiêu chí đầu tiên để lựa chọn các nội dung đăng ký bảo hộ trong đơn sáng chế là phải có tác dụng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Orcan. Bước đầu, sáng chế sẽ được tiến hành phân tích trong nội bộ, và tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn tài sản trí tuệ bên ngoài, nếu cần thiết. Nhờ khẳng định chiến lược quản lý tài sản trí tuệ từ đầu, đến nay Orcan sở hữu hơn 100 sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước.

Orcan cùng các đối tác đàm phán cẩn thận và thỏa thuận trước việc sở hữu những sáng chế mới từ khi bắt đầu nghiên cứu đến lúc khai thác thương mại chúng, tránh các liên đới trong việc sở hữu các sáng chế để mọi thứ đơn giản hơn. Thông thường người có vai trò chủ yếu trong sáng chế sẽ là người nộp đơn và sở hữu sáng chế. Đối tác còn lại sẽ “tự do hành động” (Freedom-to-operate), nghĩa là có thể thực hiện một số hành vi sử dụng nào đó đối với sáng chế mà không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của đối tác. Trường hợp này, thỏa thuận cấp phép chéo (cross-licensing) thường được sử dụng, là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên, trong đó, mỗi bên trao quyền đối với tài sản trí tuệ của mình cho các bên khác. Biện pháp này vừa giúp các doanh nghiệp tập trung phát triển sản phẩm, vừa hạn chế được các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả.

Orcan cũng thực hiện đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation), đó là việc kết hợp với các tổ chức khác để giải quyết bài toán lớn vượt qua khả năng đáp ứng của một tổ chức. Bài toán lớn do 3 yếu tố: qui mô công nghệ luôn vượt qua tầm của một tổ chức; tốc độ thay đổi công nghệ vô cùng nhanh chóng; và chi phí đầu tư cho nghiên cứu và triển khai là rất lớn. Sát cánh cùng các nhà sản xuất khác để khảo sát và phát triển các bộ phận tiêu chuẩn cho các ứng dụng mới, Orcan đã thỏa thuận với đối tác về các khía cạnh như chia sẻ các chi phí cho sáng chế, chia sẻ doanh thu cấp phép sử dụng sáng chế,… Trong hợp tác, Orcan thực sự quan tâm đến những thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Chiến lược hợp tác sáng tạo đã góp phần quan trọng trong thành công của Orcan.

Anh Trung (CESTI)

Các tin khác: