SpStinet - vwpChiTiet

 

Công việc nội trợ hằng ngày: nguồn ô nhiễm không khí tiềm ẩn

Theo một nghiên cứu của Đại học Colorado Boulder (CU Boulder), các công việc như nấu ăn, dọn dẹp và các hoạt động gia đình thông thường cũng tạo ra một lượng đáng kể các hạt hóa chất dễ bay hơi, làm cho chất lượng không khí trong nhà bị ô nhiễm ngang với một thành phố lớn.

Các hóa chất có nguồn gốc trong nhà (như hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm dầu gội, nước hoa và dung dịch tẩy rửa thường,...) thường thoát ra ngoài, góp phần sinh ra khí ozone và hình thành hạt mịn, tạo ra nguồn ô nhiễm khí quyển toàn cầu còn lớn hơn cả các loại ô tô gây ra.

Mối quan hệ chưa được biết đến trước đây giữa các công việc nội trợ và chất lượng không khí vừa được thảo luận tại Hội nghị thường niên AAAS 2019 ở Washington DC (Mỹ), nơi các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Khoa học Môi trường (CIRES) và Khoa Cơ khí của Đại học Colorado Boulder trình bày những phát hiện gần nhất của họ.

"Các ngôi nhà chưa bao giờ được coi là nguồn ô nhiễm không khí quan trọng, bây giờ cần khám phá vấn đề này. Chúng tôi muốn tìm hiểu tại sao các hoạt động nội trợ như nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa lại làm thay đổi đặc tính hóa học trong một ngôi nhà?" Marina Vance, trợ lý giáo sư kỹ thuật cơ khí tại CU Boulder cho biết.

Năm 2018, trợ lý giáo sư Vance đã đồng lãnh đạo chiến dịch hợp tác có tên gọi HOMEChem, sử dụng các cảm biến và máy ảnh hiện đại để theo dõi chất lượng không khí bên trong một ngôi nhà rộng 1.200 m2 trong khuôn viên Đại học Texas Austin trong suốt một tháng, với việc thực hiện các công việc nội trợ hàng ngày tại đây.

Mặc dù kết quả thí nghiệm của HOMEChem vẫn đang tiếp tục được xử lý, Vance cho biết, ngôi nhà cần được thông gió tốt khi nấu nướng và dọn dẹp. Vì ngay cả với những công việc đơn giản như đun nước trên bếp, cũng có thể tạo ra ô nhiễm không khí và sinh ra các hạt lơ lửng, tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Do nồng độ ô nhiễm trong nhà đo được quá cao, nên các thiết bị đo và cảm biến cần được hiệu chỉnh lại. Điều này đã gây ngạc nhiên cho nhóm thí nghiệm. "Ngay cả hành động đơn giản như nướng bánh mì cũng làm gia tăng ô nhiễm nhiều hơn so với dự kiến", Vance nói.

Các chuyên gia đang hợp tác để vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chất lượng không khí, giáo sư thỉnh giảng của CIRES, Joost de Gouw  cho biết. Năm 2018, Gouw và các đồng nghiệp đã công bố trên tạp chí Science rằng, các quy định hạn chế khí thải ô tô đã giảm thiểu lượng khí thải từ giao thông trong những thập kỷ gần đây, trong khi ô nhiễm hóa học xuất phát từ các hộ gia đình lại tăng lên.

"Nhiều nguồn ô nhiễm truyền thống như các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã trở nên sạch hơn nhiều so với trước đây", Gouw nói." Trong khi ozone và các hạt mịn đang được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ theo dõi sát sao, thì những dữ liệu về các độc tố trong không khí như formaldehyd, benzen, các hợp chất như rượu và ketone có nguồn gốc từ các hộ gia đình lại được theo dõi rất hạn chế."

"Trước đây vẫn có những hoài nghi về việc liệu các chất hóa học trên có thực sự góp phần gây ô nhiễm không khí hay không, nhưng bây giờ thì hoài nghi này không còn nữa. Chúng ta cần tập trung nghiên cứu các nguồn gây ô nhiễm này một cách nghiêm túc, như đối với nhiên liệu hóa thạch." Gouw cho biết.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả