SpStinet - vwpChiTiet

 

Giảm vi sợi nhựa bằng công nghệ nanocoating cải tiến sử dụng ánh sáng mặt trời

Nhóm nghiên cứu từ Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển đã phân hủy được các mảnh vi nhựa LDPE trong nước, sử dụng các chất xúc tác ZnO không đồng nhất, theo công nghệ nanocoating cải tiến.

Vi nhựa là mối đe dọa toàn cầu đối với sinh quyển, do chúng phân bố khắp mọi nơi, gây ra các tác hại khó kiểm soát cho môi trường, do kích thước của chúng rất nhỏ và tuổi thọ lâu dài.

Mặc dù có nhiều phương pháp xử lý đang được sử dụng như lọc, đốt và các quá trình oxy hóa tiên tiến (như ozon hóa), nhưng tất cả các biện pháp này đều cần năng lượng cao hoặc tạo ra các sản phẩm phụ không mong muốn. Các nhà khoa học của Liên kết CLAIM (liên kết các trường đại học, tổ chức nghiên cứu của 14 quốc gia khu vực Baltic và Địa Trung Hải) đã sáng tạo một phương pháp mới, không độc hại, sử dụng vật liệu nano tương đối rẻ tiền và ánh sáng để xử lý. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Environmental Chemistry Letters.

Các nhà khoa học đã kiểm tra dư lượng vi hạt polyethylen (LDPE) bị phân mảnh, bằng phương pháp quang xúc tác không đồng nhất trong điều kiện ánh sáng khả kiến, với xúc tác là các oxit kẽm kích cỡ nano (nanorod). Kết quả cho thấy, chỉ số carbonyl tăng 30%, chứng tỏ giảm thiểu dư lượng polymer. Ngoài ra, việc gia tăng độ giòn và rất nhiều các nếp nhăn, nứt và lỗ hổng trên bề mặt LDPE cũng đã được ghi nhận.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kết quả khả quan trong việc phá hủy LDPE, với sự trợ giúp của công nghệ nano dưới ánh sáng mặt trời. Trong thực tế, điều này có nghĩa là một khi lớp phủ được áp dụng, microplastic sẽ bị suy giảm chỉ nhờ sự trợ giúp của ánh sáng khả kiến. Kết quả này đem lại những nhận thức mới về việc sử dụng công nghệ sạch để giải quyết các ô nhiễm vi mô trên toàn cầu mà ít tạo ra các tác động phụ." giáo sư Joydeep Dutta, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, chia sẻ.

Các tin khác: