SpStinet - vwpChiTiet

 

Cấp phép - Giải pháp tạo nguồn lực R&D

Cấp phép là một trong nhiều loại hình chuyển giao công nghệ, giúp các nhà nghiên cứu độc lập thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo nguồn lực để tiếp tục các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). TS. Milind  V. Rane,  một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng người Ấn Độ, đã  gặt hái thành công qua cấp phép sử dụng công nghệ.

Tự chủ trong cấp phép  

Cấp phép (Licensing) là việc bên có tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) chấp thuận cho bên nhận cấp phép sử dụng IP thuộc quyền sở hữu của mình. Việc cấp phép có thể cho bên nhận độc quyền thị trường một vùng địa lý; có thể cấp phép cùng lúc cho nhiều đơn vị khác nhau trong cùng một khu vực địa lý (các đối tác nhận cấp phép có thể cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau, bên cấp phép lúc này chỉ tập trung kiểm soát cách đối tác sử dụng IP của mình và không có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của đối tác nhận cấp phép).

Cấp phép giúp khai thác IP nhanh, tạo nguồn lực cho nhà sáng chế tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều IP mới để cung cấp ra thị trường. Nhận cấp phép sử dụng IP là chiến lược kinh doanh phù hợp với các công ty nhỏ và vừa để phát triển sản phẩm mới dựa trên sáng tạo, khi nguồn lực R&D còn hạn chế.

TS. Rane, khi còn là nhà sáng chế và tư vấn độc lập trong lĩnh vực năng lượng, đã sáng tạo bộ thu hồi nhiệt Matrix (MHRU- Matrix Heat Recovery Unit), là một hệ thống trao đổi nhiệt, thu hồi nhiệt thải dạng khí/hơi nước nóng từ động cơ, máy phát điện, nồi hơi hoặc lò nung,.. để tái sử dụng. MHRU là một hệ thống  nhỏ gọn, an toàn và linh hoạt, chi phí cho MHRU thấp hơn 20-25% so với thiết kế thông thường.

MHRU được cấp bằng sáng chế bởi Văn phòng Sáng chế Ấn Độ

Năm 1999, TS. Rane giới thiệu hệ thống MHRU với Công ty Unidyne Energy Environment Systems (Unidyne), một doanh nghiệp nhỏ, có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), chuyên sản xuất và thương mại các hệ thống năng lượng nhiệt công nghiệp và ký thỏa thuận cấp phép độc quyền cho Unidyne sản xuất và bán các hệ thống MHRU dùng để thu hồi nhiệt lò hơi và lò gia nhiệt. Unidyne có trách nhiệm thanh toán cho TS. Rane phí chuyển giao công nghệ ngay sau khi ký thỏa thuận và khoản quy định về tiền bản quyền là 4,5% doanh thu thuần trong việc bán các sản phẩm MHRU (việc thanh toán được thực hiện sau khi đạt các mốc trong giai đoạn thương mại theo thỏa thuận), và công nghệ này sẽ không được cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào khác khi lịch trình thanh toán tiền bản quyền được thực hiện đầy đủ.

Đối với Unidyne, thỏa thuận cấp phép độc quyền khai thác sáng chế MHRU giúp công ty mở rộng công nghệ, tăng số lượng danh mục sản phẩm và phát triển khách hàng. Đối với TS. Rane, cấp phép là phương tiện để thương mại sáng chế MHRU, tạo nguồn lực tiếp tục hoạt động R&D để tạo thêm nhiều IP mới. Năm 2005, TS. Rane được trao giải thưởng VASVIK, giải thưởng hàng năm ở Ấn Độ, ghi nhận những đóng góp nghiên cứu trong công nghiệp, về những thành tích trong việc phát triển và triển khai MHRU, các hệ thống lạnh và làm mát.

Thương mại IP trước khi được cấp bằng sáng chế

Sau khi TS. Rane ký thỏa thuận cấp phép với Unidyne và trước khi MHRU được cấp bằng sáng chế, đã có tới 45 hệ thống MHRU được lắp đặt ở nhiều đơn vị tại Ấn Độ. Khi cấp phép cho Unidyne, TS. Rane chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký sáng chế để bảo vệ IP. Năm 1999, MHRU được đăng ký sáng chế tại Ấn Độ, và Unidyne chịu chi phí cho việc nộp đơn và duy trì bằng sáng chế, mặc dù TS. Rane là chủ sở hữu. Bằng sáng chế MHRU được cấp vào tháng 10 năm 2004. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên TS. Rane tiếp xúc với hệ thống bằng sáng chế và thiếu hướng dẫn ban đầu đầy đủ, nên đơn xin cấp bằng sáng chế cho MHRU chỉ được nộp đơn bảo hộ tại Văn phòng Sáng chế Ấn Độ (Indian Patent Office). Điều này tạo bất lợi  khi thị trường của MHRU vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Từ kinh nghiệm trên, TS. Rane đã nộp đơn đăng ký bảo hộ cho các sáng chế khác tại Ấn Độ, và  theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT-  (Patent Cooperation Treaty) để bảo hộ sáng chế tại nhiều quốc gia khác nhau. Tính đến năm 2009, TS. Rane có 14 sáng chế nộp đơn ở Văn phòng Sáng chế Ấn Độ, 7 sáng chế nộp đơn theo Hệ thống PCT và 1 sáng chế nộp đơn tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO- United States Patent and Trademark Office).

Sự hợp tác và những nỗ lực chung giữa nhà sáng chế  và các doanh nghiệp trong phát triển và thương mại hóa IP đã tạo ra nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc chia sẻ lợi ích và quyền sở hữu có thể có tranh chấp, nếu các vấn đề có khả năng phát sinh không được đặt ra rõ ràng để thống nhất cách giải quyết ngay từ ban đầu. Sự hợp tác giữa TS. Rane và Unidyne cho thấy, những vấn đề phát sinh đã được giải quyết, thông qua sự hợp tác có trách nhiệm và thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của đôi bên.

MHRU cho một lò hơi

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác: