SpStinet - vwpChiTiet

 

Thuốc phòng chống ung thư cũng vô hiệu hóa vi khuẩn H. Pylori

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Viêm niêm mạc và ung thư Vanderbilt đã phát hiện DFMO (một loại thuốc đang được thử nghiệm để ngừa một số loại ung thư) cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư dạ dày.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, ngoài khả năng ngăn chặn sản xuất ra các hợp chất tăng trưởng tế bào, thuốc DFMO (Difluoromethylornithine) có tác động trực tiếp làm giảm độc lực của vi khuẩn Helicobacter pylori, là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày.

Phát hiện này, được báo cáo trong Kỷ yếu ngày 12/3 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ), hỗ trợ các nghiên cứu sâu hơn về DFMO để ngăn ngừa ung thư dạ dày, căn bệnh gây tử vong đứng thứ ba do ung thư trên toàn thế giới.

H. pylori lây nhiễm hơn một nửa dân số toàn thế giới, nhưng chỉ có khoảng 1% người nhiễm bị ung thư dạ dày. Mặc dù có thể điều trị nhiễm để ngăn ngừa ung thư dạ dày, nhưng không rõ ai sẽ cần điều trị. Mặt khác, việc bị nhiễm cũng có những mặt có lợi, vì những người không bị nhiễm H. Pylori lại thường mắc các bệnh trào ngược thực quản, hen suyễn và các rối loạn dị ứng khác thường xuyên hơn.

"H. pylori đã cùng tiến hóa với con người ít nhất 60.000 năm. Việc cố gắng ngăn ngừa ung thư dạ dày bằng cách loại bỏ nhiễm H.Pylori qua sử dụng kháng sinh không phải là một ý tưởng hay", Keith Wilson, MD, giáo sư ngành y, bệnh học, vi sinh và miễn dịch, nói. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có thể giảm độc lực của vi khuẩn mà không cần phải loại bỏ nó. Đó là một chiến lược thú vị."

Wilson, người chỉ đạo Trung tâm nghiên cứu về Ung thư và Viêm niêm mạc Vanderbilt, và nhóm của ông trước đây đã tìm ra mối liên hệ giữa việc sản xuất các hợp chất tăng trưởng tế bào (gọi là polyamines) gây phát triển ung thư dạ dày trong mô hình động vật bị nhiễm H. pylori. Họ đã chứng minh được việc điều trị cho động vật bằng DFMO, chất ức chế một loại enzyme, là chìa khóa để sản xuất polyamines, ngăn ngừa ung thư dạ dày. Phát hiện này đã tạo cơ sở cho thử nghiệm lâm sàng liên tục về DFMO trong phòng ngừa ung thư dạ dày ở Honduras và Puerto Rico đối với các bệnh nhân có tổn thương tiền ác tính trong dạ dày, đã được xác định bằng nội soi về tiến triển bệnh.

Để tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của DFMO, tiến sĩ  J. Carolina Sierra đã thu thập vi khuẩn H. pyloribacteria từ các động vật bị nhiễm bệnh đã (hoặc chưa) được điều trị bằng DFMO. Với các xét nghiệm in vitro, cô đã đánh giá hoạt động của protein có tên là CagA, một trong những tác nhân gây độc lực chính của H. Pylori, được "tiêm" vào các tế bào biểu mô dạ dày, nơi gây ra ung thư. "Chúng tôi thấy rằng các chủng vi khuẩn từ động vật được điều trị bằng DFMO đã giảm khả năng di chuyển vào các tế bào biểu mô", Sierra nói.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, phương pháp điều trị DFMO - ở động vật hoặc trong ống nghiệm - đã gây ra đột biến gen H. pylori mã hóa CagY gây ra cơ chế “tiêm” CagA vào tế bào: động vật bị nhiễm các chủng H. pylori có chứa đột biến gen CagY không bị ung thư dạ dày. Phát hiện này là cơ sở để ứng dụng DFMO (hoặc các công cụ khác) là giảm độc lực của H. Pylori, giúp phòng ngừa ung thư. "Phần lớn ung thư dạ dày có liên quan đến các chủng dương tính với CagA. DFMO gây đột biến gen H. pylori tác động đến hoạt động của CagA" Wilson nói.

Các nhà điều tra sẽ phân tích các chủng H. pylori được phân lập từ những người tham gia thử nghiệm DFMO ở Honduras và Puerto Rico để xác định xem thực sự có cơ chế tương tự, làm giảm độc lực vi khuẩn ở người hay không.

Các tin khác: