Thử nghiệm xây con đường ‘xanh’ đầu tiên trên thế giới
20/06/2019
KH&CN nước ngoài
Chất liệu để tạo nên con đường đặc biệt này là các chất thải công nghiệp từ ngành sản xuất thép và các nhà máy nhiệt điện than ở Australia, cụ thể là tro bay - một loại khoáng hoạt tính dùng làm phụ gia cho chế tạo bê tông cường độ cao và xỉ lò cao.
Các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales của Australia đang thử nghiệm xây dựng con đường “xanh” đầu tiên trên thế giới tại thành phố Sydney.
Đây là tuyến đường khá nhộn nhịp dẫn tới sân bay quốc tế Sydney. Chất liệu để tạo nên con đường đặc biệt này là các chất thải công nghiệp từ ngành sản xuất thép và các nhà máy nhiệt điện than ở quốc gia châu Đại dương này, cụ thể là tro bay- một loại khoáng hoạt tính dùng làm phụ gia cho chế tạo bê tông cường độ cao và xỉ lò cao.
Hỗn hợp vật liệu này là sự pha trộn bền vững giữa bê tông và chất thải tái chế, có triển vọng lớn giúp giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Hiện các nhà khoa học đang làm thử một đoạn đường dài 30 m trước khi áp dụng trên toàn bộ tuyến đường.
Họ cũng đã lắp 9 cảm biến dưới bề mặt đoạn đường này để đánh giá hiệu suất của dự án.
Theo ông Stephen Foster, Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng và Môi trường của Đại học New South Wales, đồng thời là Chủ nhiệm dự án, quá trình theo dõi hiệu suất con đường sẽ được thực hiện trong tối đa 5 năm. Trước đó, họ sẽ thu thập các dữ liệu trong thời gian từ 3 đến 12 tháng đầu của cuộc thử nghiệm để xác định các mô hình nghiên cứu và củng cố niềm tin của các nhà khoa học.
BT