SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt chất kháng côn trùng chiết xuất từ lúa miến

Các hợp chất chiết xuất từ cây lúa miến (cây cao lương) có thể phân lập, tổng hợp và sử dụng như một tác chất chống côn trùng gây hại cho thực vật mà không độc hại với con người.  Phát hiện này vừa được công bố trên Tạp chí Chemical Ecology.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu khả năng đề kháng rệp lá ngô (loại côn trùng màu xanh, hút nhựa cây) của hoạt chất flavonoid từ lúa miến, cụ thể là 3-deoxyflavonoid và 3-deoxyanthocyanidin. Để chống lại các loài gây hại này, lúa miến tự hình thành hệ thống đề kháng bằng cách sinh tổng hợp các chất chuyển hóa thứ cấp (bao gồm flavonoid) để đầu độc chúng.

Surinder Chopra, giáo sư về di truyền học ngô, trường Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania cho biết, nghiên cứu trước đây của ông đã phát hiện việc tích lũy các flavonoid trong lúa miến được điều khiển bởi một gen có tên là "Hạt vàng 1" để kiểm soát phản ứng với các tác nhân gây bệnh như nấm.

Trong nghiên cứu hiện tại được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Russell E. Larson (Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania), các nhà nghiên cứu đã trồng hai dòng lúa miến gần như giống hệt nhau - một dòng có gen y1 chức năng tạo ra flavonoid và một loại đột biến khác gọi là null y1 (không có gen "Hạt vàng 1" có chức năng sản xuất ra flavonoid).

Khi so sánh hai dòng này, các nhà nghiên cứu nhận thấy số lượng rệp lá ngô trưởng thành cao hơn đáng kể ở các cây null y1, khi so sánh với các cây có gen y1 (có chức năng tạo ra flavonoid). Các cây lúa miến còn chức năng sản xuất flavonoid có số lượng rệp thấp hơn nhiều và không bị tác động xấu từ rệp.

Các thí nghiệm trong nhà kính với các cây lúa miến trong chậu tương tự đã chứng minh rằng rệp vừng thích ăn và sinh sản trên cây null y1 và rệp trưởng thành sinh sản nhiều hơn.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã nuôi hai nhóm rệp vừng trưởng thành bằng lá lúa miến, trong đó, một nhóm cho ăn lá có thêm chiết xuất chứa flavonoid. Sau một vài ngày, hầu hết các con rệp ăn mô lá giàu flavonoid đã chết và khả năng sinh sản bị hạn chế.

Chopra giải thích, các flavonoid không có trong các mô mạch phloem có chứa đường mà rệp khai thác, tuy nhiên, chúng nằm trong các tế bào biểu bì tạo thành lớp bảo vệ bên ngoài. Khi rệp liên tục dùng vòi thăm dò và chọc vào các tế bào biểu bì, chúng sẽ tiếp xúc với flavonoid, làm chúng bị tiêu diệt. 

"Cây lúa miến đã tiến hóa để tạo ra các hợp chất chính xác có khả năng phòng vệ chống lại côn trùng có hại đối với chúng. Những hóa chất này giúp chúng phòng thủ nhưng lại không làm tổn thương côn trùng có lợi". Như vậy, flavonoid có thể sử dụng làm chất đề kháng côn trùng một cách hiệu quả để bảo vệ cây trồng, Chopra nói. 

Các tin khác: