SpStinet - vwpChiTiet

 

Màng bọc nano mới có thể thay thế màng kim loại không thể tái chế trong đóng gói thực phẩm

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Oxford (Anh) đã phát triển thành công một loại màng bọc nano mới, tiềm năng, có thể được sử dụng trong công nghệ bao bì thực phẩm để thay thế các màng bọc kim loại mỏng hiện đang được sử dụng.


Trong bài báo được đăng tải trên tạp chí Nature Communications, nhóm đã mô tả quy trình chế tạo và hy vọng vật liệu mới của họ có thể được tái sử dụng hoặc tái chế để mang lại hiệu quả chi phí cao hơn.

Màng bọc có bề mặt bóng và sáng thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm đóng gói, thường thấy nhất là ở sản phẩm dạng túi đựng khoai tây chiên hay kẹo dạng thanh. Tuy nhiên, trên thực tế, kiểu màng bọc này khi sử dụng trong công nghiệp bao bì thường rất khó tái chế vì khi đó cần phải thực hiện thao tác loại bỏ lớp màng kim loại ra khỏi màng nhựa. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu Đại học Oxford đã tìm ra giải pháp màng bọc thực phẩm mới thay thế cho màng kim loại với tiềm năng có thể được tái chế hoàn toàn và dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu cho biết quy trình để chế tạo lớp màng bọc nano không tốn nhiều chi phí. Màng có cấu tạo gồm các màng mỏng chứa hai thành phần là nước và axit amin. Cụ thể, ban đầu, nhóm đã tạo ra một lớp nano từ đất sét tổng hợp không độc hại. Các lớp nano này được cố định bởi sự liên kết của các axit amin, hình thành nên màng trong suốt, và đặc biệt là có tính thấu khí và thấu ẩm thấp, nghĩa là các màng này không cho phép khí hoặc hơi nước đi xuyên qua. Trên thực tế, màng sẽ được kết hợp với một loại nhựa dẻo polyetylen terephthalate vốn thường được sử dụng phổ biến để làm các loại bao bì, hay vỏ chai nước khoáng.

Tiếp theo, các chuyên gia đã tiến hành một thử nghiệm, trong đó, họ cho lớp màng mới tiếp xúc với một số loại khí bảo quản thực phẩm ứng dụng nhiều trong công nghệ đóng gói thực phẩm hiện nay và kết quả cho thấy mức độ thẩm thấu của màng thấp hơn khoảng 50%. Sau khi thực hiện thêm một số bài kiểm tra về độ bền, dẻo dai của màng nhằm đảm bảo nó chịu được sự va chạm, kéo, đẩy trong quy trình đóng gói thực phẩm, các chuyên gia đã khẳng định khả năng chịu đựng của vật liệu mới cũng tương đương với loại màng bọc mạ kim loại hiện đang được sử dụng.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng do lớp màng nano được tạo bằng phương pháp tổng hợp, nên thành phần và cấu trúc cuối cùng của nó phụ thuộc vào mục đích sử dụng làm giải pháp thay thế đóng gói bao bì của mỗi công ty. Tuy nhiên, họ cho biết trong tương lai sẽ cần phải tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa trước khi đưa công nghệ mới vào sử dụng trong thực tế.

P.K.L

Các tin khác: