nCoV có thể lây truyền qua chất thải
04/02/2020
KH&CN nước ngoài
Nghiên cứu mới của các chuyên gia Trung Quốc cho thấy ngoài lan truyền qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp, nCoV có thể lây qua đường phân.
Người dân cần chú ý khi sử dụng bồn cầu để phòng ngừa nhiễm nCoV. Ảnh: Spruce.
Bệnh viện Renmin thuộc Đại học Vũ Hán kết hợp với Viện Khoa học Trung Quốc tiến hành xét nghiệm axit nucleic mẫu phân, mô hậu môn của bệnh nhân và thu được kết quả dương tính với virus 2019-nCoV, Focus Taiwan hôm 2/2 đưa tin.
Kết quả này không bất ngờ vì trước đó, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng tìm thấy mẫu nCoV trong chất thải, theo Chang Ko, người đứng đầu bộ phận kiểm soát lây nhiễm tại Bệnh viện Kaohsiung Municipal Siaogang. Ông cho biết, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine hôm 31/1, mẫu phân lấy từ người đầu tiên phát hiện nhiễm bệnh ở Mỹ cho kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Cách lây nhiễm mới khiến việc ngăn chặn virus lan rộng trở nên thách thức hơn, Shih Shin-ru, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm do virus mới tại Đại học Chang Gung, nhận định. Các chuyên gia ở Đài Loan khuyến nghị người dân đậy nắp bồn cầu khi xả nước và rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh để hạn chế rủi ro nhiễm bệnh.
Việc tìm thấy virus trong phân người không hiếm nhưng vẫn cần lưu ý cẩn thận, Hwang Kao-pin, giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Y Trung Quốc, cảnh báo. Đường lây truyền mới mang đến rủi ro vì nếu phân nhiễm virus bắn lên khi xả nước bồn cầu, virus có thể sống 2-3 tiếng trong không khí và 5 ngày trên bề mặt vật thể.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm, bồn cầu nên được khử trùng với cồn trước khi sử dụng và đậy nắp khi xả nước. Ông cũng nhấn mạnh, rửa tay bằng xà phòng rất quan trọng với việc ngăn bệnh.
Thu Thảo