SpStinet - vwpChiTiet

 

Miếng bọt biển: giải pháp cho sự cố tràn dầu

Những sự cố tràn dầu thô gây nên rất nhiều tác hại với môi trường như ô nhiễm biển và hủy hoại sự sống của các sinh vật ở đại dương. Một nghiên cứu mới từ Đại học Flinders, Úc có thể giúp giải quyết tình trạng này.

TS Chalker trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về polysulfide.
TS. Chalker trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về polysulfide.

Bài toán xử lý tràn dầu thô nay đã có lời giải, polysulfide là một hợp chất polymer có thể nhanh chóng hấp thụ dầu và các chất thải ô nhiễm. Chúng được sản xuất từ hai nguyên liệu giá rẻ là lưu huỳnh, sản phẩm phụ của ngành công nghiệp khai thác và lọc dầu, và dầu thực vật. Thậm chí có thể tận dụng dầu ăn đã qua sử dụng để sản xuất. Đặc biệt, hợp chất polysulfide nổi được trên mặt nước như những miếng bọt biển, nên hoàn toàn có thể ép những miếng bọt này để lấy dầu và tái sử dụng.

Nhà khoa học từng nhận giải thương Eureka uy tín của Úc năm 2018 cho sự nghiệp nghiên cứu xuất sắc, đồng thời là giảng viên hóa học cấp cao ở Đại học Flinders, tiến sĩ Justin Chalker đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu quốc tế chịu trách nhiệm về sáng kiến này.

Tôi thật sự say mê việc sử dụng các phát minh hóa học để giải quyết những thách thức lớn cho phát triển bền vững”, Chalker chia sẻ. Bởi vì, theo anh, “các nhà hóa học chính là những người duy nhất có thể khám phá ra những giải pháp vừa hiệu quả vừa có giá rẻ để hạn chế thiệt hại từ những sự cố tràn dầu lớn, có thể lớn tới mức như thảm họa Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico (năm 2010)”.

Chúng tôi cũng chung sức để giải quyết những sự cố tràn dầu nhỏ hơn nhưng thường xuyên xảy ra trên thế giới. Những sự cố này thường xảy ra ở những nơi có nguồn lực kinh tế hạn chế. Vậy nên, giải pháp có giá cả phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng.”

Theo TS. Chalker, đây là sáng chế hoàn toàn mới và bền vững với môi trường. Sáng chế này không chỉ xử lý các vấn đề lâu năm của những sự cố tràn dầu, mà còn giúp tiêu thụ lượng chất thải lưu huỳnh dư thừa trên toàn cầu. Cũng chính vì sử dụng sản phẩm phụ công nghiệp nên phát minh này hiệu quả về chi phí và hoàn toàn có khả năng mở rộng quy mô triển khai.

Mới đây, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Chalker vừa ký kết hợp tác với công ty công nghệ môi trường thế hệ mới Clean Earth Technologies (CET). CET sẽ hỗ trợ liên tục cho nhóm nghiên cứu để phát triển sản xuất “bọt biển” polysulfide, cũng như tiền lương cho các nhà nghiên cứu và tiền bản quyền nếu có những phát minh mới. Ngoài ra, CET cũng sẽ thương mại hóa sản phẩm trên thị trường toàn cầu, bắt đầu bằng việc thành lập nhà máy sản xuất đầu tiên tại Nam Úc.

Nhóm nghiên cứu của TS. Justin Chalker cũng đang nghiên cứu ứng dụng polysulfide cho các mục đích khác nhau. Bên cạnh hấp thụ dầu tràn, vật liệu này đã được chứng minh rất hiệu quả trong việc quản lý giải phóng phân bón nông nghiệp và thu hồi thủy ngân dưới nhiều hình thức.

Những sự cố tràn dầu đã và đang là vấn đề toàn cầu. Liên đoàn ô nhiễm từ tàu chở dầu toàn cầu, The International Tanker Owners Pollution Federation, báo cáo có khoảng 7.000 tấn dầu thô tràn từ tàu chở dầu vào đại dương chỉ trong năm 2017.

Ví dụ như thảm họa tràn dầu gần đây nhất xảy ra ở Borneo vào năm 2018, khiến chính quyền Indonesia phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Còn hàng trăm những vụ tràn dầu nhỏ hơn ảnh hưởng đến các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Phát minh của Chalker được sản xuất từ những vật liệu rẻ tiền và bền vững sẽ đáp ứng nhu cầu của các quốc gia này, nơi những sự cố dầu mỏ nhỏ đang đe dọa đến nguồn nước và nguồn lợi hải sản.

Theo Quốc Phong - khoahocphattrien.vn 

Các tin khác: