SpStinet - vwpChiTiet

 

COVID-19 dễ lây nhất thời điểm trước và trong tuần đầu tiên có triệu chứng

Khi mọi nỗ lực được tung ra trên toàn cầu để ngăn chặn đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm xác định thời điểm nào thì bệnh nhân dễ lây nhiễm nhất.

Những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể dương tính cả trước và sau khi xuất hiện các triệu chứng. Nhưng, họ lại có thể gây lây nhiễm trước khi có các triệu chứng và trong tuần đầu tiên bị bệnh, một nghiên cứu về 9 bệnh nhân ở Đức cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, virus gây bệnh được phân lập từ mẫu bệnh phẩm mũi họng (17%) và mẫu đàm (83%), ngay trong tuần đầu tiên bị nhiễm.

Clemens Wendtner, giám đốc về bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới tại Bệnh viện đại học Munich Clinic Schwabing và các đồng nghiệp đã tìm thấy lượng virus lên đến hàng ngàn, hàng triệu ở mũi và họng của bệnh nhân. Lượng virus cực lớn này cho thấy lý do tại sao loại coronavirus mới này lại có khả năng lây nhiễm nhanh đến như vậy.

Sau 8 ngày phát bệnh, các nhà nghiên cứu vẫn có thể phát hiện ra RNA - vật liệu di truyền của virus ở các băng gạc hay bệnh phẩm của bệnh nhân, nhưng không tìm thấy virus. Đó là dấu hiệu cho thấy các kháng thể trong cơ thể đang tiêu diệt virus SARS-CoV-2 thoát ra khỏi tế bào.

Việc phát hiện RNA hoặc các phân đoạn virus trong tăm bông hoặc mẫu vật không thể đảm bảo là còn virus, Ali Khan, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng của Đại học Nebraska ở Omaha, cho biết. Vấn đề đáng lo ngại là khi chỉ mới nhiễm hoặc còn bệnh nhẹ, người ta đã tạo ra rất nhiều virus, làm lây lan rất mạnh trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, lượng virus gây lây nhiễm sẽ giảm mạnh sau khi kháng thể xuất hiện: sau khoảng 10 ngày, người ta sẽ không còn lây nhiễm thêm cho người khác, theo Khan. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người bị nhiễm rất nhẹ hoặc không có triệu chứng thì không tạo ra nhiều virus và càng ít lây nhiễm cho người khác, nếu so sánh với những người mắc bệnh nặng, ông nói. 

Wendtner và các đồng nghiệp đã xét nghiệm 9 bệnh nhân vào mỗi buổi sáng (trong thời gian nằm viện), gồm lấy máu, nước tiểu, phân, dịch mũi họng và đàm. Kết quả cho thấy, mức độ phát tán virus  từ mũi và cổ họng rất lớn và xảy ra rất sớm, sau khi bị nhiễm. Tại thời điểm thử nghiệm, hầu hết các bệnh nhân phát tán virus ở đường hô hấp trên đạt đến đỉnh điểm. Khi bệnh phát triển, virus di chuyển sâu hơn vào phổi.

Nhóm nghiên cứu chưa khi nào tìm thấy bằng chứng về virus tồn tại trong máu hoặc nước tiểu, và đã ngừng thu thập các mẫu này từ khi "làn sóng thứ hai", với 23 bệnh nhân COVID-19 được đưa vào điều trị tại bệnh viện. Các nhà nghiên cứu phát hiện RNA của virus trong phân, nhưng không có virus ở nơi này. Điều đó cho thấy, virus không lây lan qua phân, vốn là một ẩn số cho đến nay.

Tất cả 9 bệnh nhân là nhân viên của Webasto, một nhà cung cấp ô tô tại Stockdorf. Họ đã nhiễm virus từ một đồng nghiệp nam, người được biết đến là bệnh nhân số 1. Ban đầu, anh ta nhiễm virus tại các cuộc họp, từ một đồng nghiệp ở Thượng Hải, đến Đức vào tháng 1/2020. Cả bệnh nhân số 1 và đồng nghiệp từ Thượng Hải đều phát tán virus trước khi có các triệu chứng. Họ là những ca lây nhiễm không có triệu chứng đầu tiên được ghi nhận.

Khi cơ quan y tế kiểm tra các nhân viên khác của công ty, họ đã tìm thấy nhiều bệnh nhân và cách ly họ. Có trường hợp, việc lây nhiễm là do bệnh nhân số 1 hắt hơi trong một cuộc họp. Các trường hợp khác lại là những cuộc họp kinh doanh thông thường, mọi người ngồi cùng nhau trong 60-90 phút (cùng bàn làm việc hoặc trước máy tính), không có tiếp xúc trực tiếp. Nhưng chỉ cần một cái bắt tay, là nhiễm bệnh. Khả năng lây nhiễm là rất cao, Liz Wendtner nói.

Hầu hết bệnh nhân đều bị ho, nhưng chỉ có hai người bị sốt (vốn là triệu chứng phổ biến nhất được các nghiên cứu khác báo cáo). Đa số bệnh nhân này đều bị nhẹ, một người không bị bệnh. Có một ca bị viêm phổi nặng.

Hai trong số 9 người bị sổ mũi (mà trước đây được báo cáo là triệu chứng hiếm gặp của COVID-19). Bốn người khác bị nghẹt mũi nặng (không thể ngửi thấy bất cứ thứ gì). Với tất cả các bệnh nhân này, tình trạng nghẹt mũi, dù khó chịu, nhưng đã hết sau khoảng hơn 2 tuần. Việc mất tạm thời vị giác và khứu giác cũng là vấn đề của một số bệnh nhân SARS năm 2003. Triệu chứng này cho thấy, ngoài việc làm sưng mũi, virus có thể tác động đến các tế bào thần kinh về mùi.

Cơ thể các bệnh nhân bắt đầu tạo ra kháng thể chống virus sau khoảng 6-12 ngày xảy ra các triệu chứng. Lúc này, các nhà nghiên cứu thấy nồng độ RNA của virus vẫn còn cao trong đàm và trong mũi họng bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không còn lây truyền virus nữa.

Việc lây nhiễm sớm và cực mạnh của virus cho thấy, cần tránh việc tập trung đông người. Kết quả này cũng cho thấy, có thể rút ngắn thời gian cách ly với những người có RNA nhưng không có virus. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các xét nghiệm vẫn có thể cho thấy RNA của virus vài tuần sau khi các triệu chứng ở bệnh nhân đã hết. Hầu hết các bệnh nhân đều không được xuất viện, cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần riêng biệt, trong vòng 24 giờ, Wendtner nói.

Tuy nhiên, ông cũng không ủng hộ việc đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly trước 2 tuần, vì 14 ngày là quãng thời gian đảm bảo an toàn. Có thể sau 10 ngày xuất hiện các triệu chứng là bệnh nhân đã an toàn, nhưng phải đảm bảo là bệnh nhân đã có các kháng thể. Nhưng, các xét nghiệm để tìm kháng thể lại không phải dễ dàng thực hiện rộng rãi.

Tuấn Kiệt - Theo sciencenews.org

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả