SpStinet - vwpChiTiet

 

SARS-CoV-2 lây nhanh chóng, trước khi xuất hiện triệu chứng

Các nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Texas ở Austin đã tiến hành nghiên cứu xác định khả năng lây lan của virus để ngăn chặn chúng. Họ thấy rằng, thời gian lây nhiễm trong chuỗi chưa đến 7 ngày. Trong đó, hơn 10% bệnh nhân bị nhiễm từ những người chưa có triệu chứng bệnh.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, nhóm các nhà khoa học từ Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc và Hồng Kông đã xác định được thời gian lan truyền trung bình của SARS-Cov-2 virus ở Trung Quốc là khoảng 4 ngày. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ước tính được tốc độ lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng.

Quy mô của một dịch bệnh phụ thuộc vào 2 yếu tố: một ca bệnh nhiễm cho bao nhiêu người và mất bao lâu để lây nhiễm cho tất cả mọi người. Con số đầu tiên gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản, số thứ hai là thời gian lây nhiễm kế tiếp. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng thời gian lây nhiễm kế tiếp càng ngắn thì dịch sẽ càng nhanh chóng bùng phát và khó có thể ngăn chặn.

"Ebola, với thời gian lây nhiễm kế tiếp là vài tuần, nên dễ kiểm soát hơn nhiều so với cúm, thời gian lây nhiễm kế tiếp chỉ vài ngày. Các cơ quan y tế cộng đồng có nhiều thời gian hơn để xác định và cách ly các trường hợp bị bệnh Ebola trước khi chúng lây nhiễm cho người khác". Lauren Ancel Meyers, giáo sư về sinh học tích hợp tại UT Austin cho biết. "Dữ liệu cho thấy, SARS-CoV-2 có thể lây lan như cúm. Điều đó có nghĩa là, muốn đối phó, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và quyết liệt."

Meyers và nhóm của cô đã nghiên cứu hơn 450 hồ sơ bệnh án tại 93 thành phố ở Trung Quốc và đã tìm thấy những bằng chứng rất thuyết phục, cho thấy có nhiều người không có triệu chứng đã lan truyền virus - gọi là lây truyền tiền triệu chứng (hơn 10% tổng số ca nhiễm thuộc nhóm này).

Trước đây, người ta chưa dám chắc về việc SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm khi chưa có triệu chứng. Nghiên cứu này đã khẳng định con đường lây truyền, giúp các cơ quan y tế cộng đồng có phản ứng tốt hơn để ngăn chặn dịch bệnh.

"Điều này cho thấy, các biện pháp kiểm soát như cách ly tập trung, khoanh vùng cách ly, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại và hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người là có hiệu quả" Meyers nói. "Việc lan truyền bệnh dịch mà không có triệu chứng thì chắc chắn cực kỳ khó ngăn chặn."

Theo Meyers, với hàng trăm trường hợp vừa mới nhiễm bệnh trên khắp thế giới mỗi ngày, nếu cơ quan y tế có thể nhanh chóng cách ly bệnh nhân, điều tra những nơi họ đã đi, những người mà họ đã tiếp xúc thì có thể kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh.

"Có rất nhiều ca lan truyền bệnh mà không triệu chứng và ngày càng gia tăng ở hàng trăm khu vực trên toàn thế giới", Meyers nói. "Điều này cho thấy, dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát, nếu không có các biện pháp cực kỳ quyết liệt."

Tuấn Kiệt (CESTI) - Theo sciencedaily.com

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả