Sáng tạo
Mandy Haberman, nhà sáng tạo, doanh nhân người Anh, đã sáng lập và là giám đốc sáng tạo của công ty Haberman Products Ltd. Sáng tạo và sản phẩm của Haberman hướng vào việc nuôi dưỡng trẻ em.
Đầu tiên là sản phẩm Haberman Feeder, được Haberman sáng chế sau khi sinh con gái (năm 1980) bị bệnh Sticklers (không thể ăn uống như bình thường và rất khó cho ăn). Bình Haberman Feeder có kết cấu đặc biệt, giúp bé có thể bú và nuốt dễ dàng hơn. Sáng chế này không những đáp ứng nhu cầu của các bà mẹ có em bé khó cho ăn, mà còn trở thành công cụ cần thiết trong chăm sóc y tế các trường hợp bị sứt môi, hở hàm ếch, rối loạn chức năng thần kinh, loạn sản phế quản phổi (BPD), bệnh tim bẩm sinh và rối loạn di truyền.
Tiếp theo là sáng chế ly Anywayup, được giới thiệu vào năm 1995, là kết quả nghiên cứu sau khi Mandy Haberman nhìn thấy trẻ uống nước làm rơi vãi, gây bẩn thảm trải sàn vào năm 1990. Anywayup là loại ly có van kiểm soát dòng chất lỏng chống rò rỉ, giúp trẻ uống không bị đổ đầu tiên trên thế giới. Ly Anywayup có ống ngậm, phía trong ống có van tự động bịt kín ống giữa các ngụm khi uống. Thiết kế độc đáo này cho phép dòng chất lỏng chỉ chảy qua ống khi trẻ hút, tự động bịt kín ngay khi ống rời khỏi miệng của bé và không bị rò rỉ, ngay cả khi lắc mạnh hoặc lộn ngược ly.
Haberman Suckle Feed (được giới thiệu năm 2018) là giải pháp cho trường hợp được cho ăn quá mức cần thiết, đối với bé bú bình. Cho ăn quá nhiều, về lâu dài có thể gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe, như bệnh béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Haberman Suckle Feed là loại bình cho bé ăn được thiết kế mô phỏng theo việc mẹ cho con bú, giúp bé ăn tự nhiên và hạn chế việc ăn quá mức của trẻ.
Đến nay, công ty Haberman đã sáng chế ra nhiều sản phẩm khác nhau, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ việc ăn uống một cách tốt nhất, đặc biệt là dùng cho trẻ em, sản phẩm bao gồm các loại van, nắp, ống ngậm, bình chứa,...và việc nghiên cứu sáng tạo vẫn đang tiếp tục phát triển.
Xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ (IP) là xương sống trong hoạt động kinh doanh của Haberman trong hơn 35 năm qua, với việc xác lập quyền sở hữu IP và đưa các sản phẩm ra thị trường, đồng thời thông qua cấp phép mở rộng khai thác IP tạo ra giá trị và tăng doanh số.
Haberman nộp đơn đăng ký sáng chế tại nhiều nước để xác lập quyền đối với các IP đã tạo ra, ví dụ như Haberman Feeder được nộp đơn đăng ký bảo hộ vào năm 1985 tại Vương Quốc Anh mang tên “Baby's feeding apparatus” (GB2169210) và được cấp bằng năm 1989; nộp đơn tại Mỹ năm 1996 và được cấp bằng năm 2000 (US6102245).
Sáng chế Anywayup cup được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nhiều nước như tại Vương quốc Anh, mang tên “Drinking vessel suitable for use as a trainer cup” (GB2266045, năm 1992), đăng ký sáng chế quốc tế thông qua Hiệp ước hợp tác sáng chế PCT (WO1993019718, năm 1993), tại châu Âu (EP0634922, năm 1995), tại Tây Ban Nha (ES2117707, năm 1998), tại Đức (DE69319109, năm 1998), tại Hồng Kong (HK1007675, năm 1998), tại Mỹ (US6102245, năm 2000, có tên “Drinking vessel with valve”).
Sản phẩm Haberman Suckle Feed cũng được nộp đơn đăng ký sáng chế ở các thị trường quan trọng. Để nhận dạng sản phẩm dễ dàng trên thị trường cũng như chống bị xâm phạm, nhiều nhãn hiệu hàng hóa cũng được đăng ký bảo hộ như Anywayup, Haberman.
Đưa sản phẩm ra thị trường và chống xâm phạm IP
Đưa sản phẩm mới ra thị trường luôn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ có nguồn lực hạn chế. Ban đầu, Haberman dự tính sẽ đưa ly Anywayup ra thị trường thông qua việc cấp phép. Tuy nhiên, dù đã nhận được những phản hồi rất nhiệt tình của nhiều công ty đối với ly Anywayup, nhưng không có nơi nào sẵn sàng chi tiền cho một giấy phép!
Khi nguyên mẫu ly Anywayup được trưng bày tại triển lãm của vườn ươm, với mục đích đơn giản là thăm dò thị trường, nhưng không ngờ lại nhận được đơn đặt hàng trước, với trị giá 10.000 bảng Anh. Do đó, ly Anywayup được nhanh chóng đưa vào sản xuất, dù ngân sách hạn hẹp và không có thời gian để xem xét kỹ hơn về thẩm mỹ. Tuy vậy, Haberman đã thành công bước đầu, khi ngay trong năm đầu tiên đã bán được nửa triệu chiếc ly Anywayup, và có lãi.
Năm 1995, Haberman hợp tác với V&A Marketing Ltd., một công ty chuyên tiếp thị các sản phẩm nhựa, nhằm đẩy mạnh ly Anywayup ra thị trường. Nhờ sản phẩm sáng tạo tiện dụng, cộng với sự tiếp sức của đơn vị tiếp thị chuyên nghiệp và tin cậy, nên số ly Anywayup bán ra tăng lên khoảng 60.000 sản phẩm/tuần. Tuy nhiên, việc bán sản phẩm qua các điểm bán hàng lớn hay siêu thị vẫn rất khó khăn. Để tăng lượng sản phẩm bán ra, ly Anywayup được chứa đầy nước ép blackcurrant và gởi đến khách hàng với ghi chú: “Nếu sản phầm này đến tay bạn mà bị đổ, hãy gọi cho chúng tôi”, chỉ trong vài tuần, doanh số bắt đầu tăng vọt.
Thành công trên thị trường giúp Haberman đạt được thỏa thuận cấp phép độc quyền bằng sáng chế ly Anywayup tại Mỹ cho First Years Inc. để sản xuất dưới nhãn hiệu Tumble Mates vào năm 1996. Hai năm sau, Haberman cấp phép cho một trong những đối tác kinh doanh sớm nhất của mình là V&A Marketing Ltd. Những giấy phép độc quyền sau này được thương lượng thay đổi trở thành không độc quyền, tạo điều kiện mở rộng nhiều giấy phép khác tại Anh, châu Âu và Mỹ.
Xây dựng và phát triển doanh nghiệp dựa trên sản phẩm sáng tạo luôn đối mặt với khả năng bị các đối thủ cạnh tranh sao chép, tranh giành thị phần, đôi khi có bằng sáng chế trong tay cũng không tránh khỏi! Đó là vấn đề mà Haberman nhiều lần phải xử lý.
Ly Anywayup là sản phẩm sáng tạo, tuy giản đơn nhưng thương mại nhanh chóng, thành công nhờ đáp ứng nhu cầu thiết thực, đối tượng khách hàng phổ biến và giàu tiềm năng. Khoảng 18 tháng sau khi ra mắt, Jackel International Limited đã vi phạm bằng sáng chế về ly Anywayup. Đây là một trong những công ty mà Haberman đã có những trao đổi về thỏa thuật cấp phép lúc đầu. Thời gian đầu khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, nếu thua kiện Haberman sẽ gặp khó về tài chính, thậm chí có thể mất cả nhà ở! Nhưng nhờ đã đăng ký sáng chế, Haberman tự tin bảo vệ quyền sở hữu IP trước tòa và đã thắng kiện. Bên vi phạm phải trả chi phí và thiệt hại cho Haberman cùng đối tác đã nhận cấp phép, là V&A Marketing Ltd.
Trong cuộc chiến pháp lý khác, công ty Royal King Infant Products Co. Ltd (Thái Lan) đã bán các sản phẩm xâm phạm sáng chế Anywayup trên thị trường, thông qua Kruidvat Holding. Sự việc được xử lý nhẹ nhàng hơn, vì trước khi các thủ tục tố tụng bắt đầu, Haberman đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa án. Cả hai công ty đã đồng ý thu hồi sản phẩm bán trên thị trường và bàn giao tất cả, kể cả sản phẩm tồn kho.
Nhiều sản phẩm sao chép IP của Haberman xuất hiện trên thị trường khiến bà phải dành không ít thời gian để chiến đấu, và chiến thắng. Nhờ xác lập quyền sở hữu hợp pháp thông qua bằng sáng chế, đối với các IP tại Vương quốc Anh và các nước khác trên thế giới, đã giúp Haberman tự tin và lợi thế khi đối mặt để xử lý các hành vi xâm phạm IP, chống sao chép các sáng tạo, đồng thời tạo cơ hội thương mại, qua các thỏa thuận cấp phép.
Haberman nay đã nổi danh là nhà sáng chế và là một doanh nhân thành đạt, với nhiều giải thưởng. Bà có vai trò tích cực trong việc hoạch định chính sách và nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về IP, khi là thành viên không điều hành của Ban chỉ đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) và là phó chủ tịch IPAN (Intellectual Property Awareness Network). IPAN là mạng lưới các tổ chức và cá nhân thuộc mọi lĩnh vực, hoạt động nhằm truyền bá hiểu biết về IP như một thành phần quan trọng để đổi mới và thành công trong kinh doanh. Tuy vậy, bà vẫn dành phần lớn thời gian để định hướng, giúp đỡ và khuyến khích các nhà sáng chế trẻ, nhất là với các nhà sáng tạo nữ.
Anh Thư (CESTI)