Đây là sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bột nanolycopen để ứng dụng vào sản xuất viên nang chống nắng" do Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM chủ trì thực hiện, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu cuối năm 2018.
ThS. Đỗ Thanh Sinh (chủ nhiệm dự án) cho biết, gấc là một loại nông sản dễ trồng nhưng đem lại lợi nhuận cao cho người dân Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Đây là một loại thực phẩm, dược liệu quý trong tự nhiên, giàu lycopene, β-carotene, vitamin C, vitamin E, các acid béo cần thiết và một loạt các khoáng chất, chất dinh dưỡng,… Trong đó, hàm lượng lycopen trong gấc cao gấp nhiều lần so với các loại trái cây khác có chứa lycopen như cà chua, dưa hấu,…Lycopen là hoạt chất sinh học họ carotenoid, có màu đỏ, có khả năng chống oxy hóa mạnh nhờ cấu trúc làm vô hiệu hóa các gốc tự do, đặc biệt là oxy nguyên tử, góp phần chống lại một số tác nhân gây bệnh như ung thư hay những bệnh liên quan đến tim mạch.
Qua dự án này, các tác giả đã sản xuất thành công bột nanolycopen (hàm lượng lycopen 5%, độ ẩm < 5%, độ rã 6 phút) và 10.000 sản phẩm Bio Suncare thương mại, có thành phần gồm: bột dược liệu polypodium leucotomos (240 mg), vitamine E (10mg), vitamin C (10mg), nano cucumine (1,5mg), nanolycopene (1,5mg). Viên nang chống nắng Bio Suncare đạt yêu cầu đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế, được Công ty CP Phát triển Công nghệ Viotek đăng ký giấy phép số 25622/2017-ATTP-XNCB.
Nhóm dự án cũng hoàn thiện các quy trình công nghệ trích ly lycopen, điều chế bột nanolycopen và bào chế viên nang chống nắng. Cụ thể, đã hoàn thiện quy trình xà phòng hóa từ nguyên liệu gấc khô với KOH 5%, tỷ lệ ethanol và bột gấc khô là 1,5:1, nhiệt độ và thời gian siêu âm tương ứng là 40-500C và 30 phút. Quy trình trích ly lycopen từ bột gấc khô sử dụng hệ dung môi aceton:ethyl acetat là 2:8; tỷ lệ bột gấc khô và dung môi để trích ly là 1:20. Thời gian ngâm chiết 60 phút, thời gian kết tinh lycopen 16 giờ ở nhiệt độ -180C. Lycopen có độ tinh khiết 87,67%, quy trình trích ly lycopen đạt hiệu suất 71,05%.
Quy trình điều chế hạt nanolycopen ở nồng độ 3,5% với điều kiện Tween 80 là 1,75%, vitamin C 2,5%, thời gian và nhiệt độ nghiền lần lượt là 120 giờ và 200C. Kết quả kích thước hạt đạt dưới 200nm. Quy trình chuyển hỗn dịch nano thành dạng rắn 5% lycopen với nhiệt độ sấy chân không 400C, bột rắn thu được < 400μm, độ ẩm < 5%, độ rã 6 phút. Hàm lượng kim loại phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT), chỉ tiêu vi sinh và độc tố nấm men, nấm mốc đáp ứng Quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm (Quyết định 46/2007/QĐ-BYT).
Quy trình bào chế viên nang chống nắng được xây dựng hoàn thiện ở quy mô sản xuất 60.000 viên/mẻ, thành phần viên nang gồm: polypodium leucotomos, nanolycopen, nanocurcumin, microencapsuled vitamin E và vitamin C, calcium silicate (Florite R), magnesi stearate, cellulose vi tinh thể (Heweten 101) và vỏ nang gelatin. Độ ẩm < 5%, độ rã 5 phút.
Theo ThS. Đỗ Thanh Sinh, dự án đã rút ngắn được thời gian đưa sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, nhờ sự "bắt tay" của 3 đơn vị tham gia là Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao, Công ty TNHH Thế Giới Gen và Công ty CP Phát triển Công nghệ Viotek. Dựa trên dây chuyền thiết bị, nguồn lực và cơ sở vật chất của 3 đơn vị, dự án hoàn thiện được các dây chuyền công nghệ, thiết bị và quy trình công nghệ trích ly lycopene; công nghệ điều chế bột nanolycopen; dây chuyền sản xuất viên nang chống nắng phục vụ sản xuất và đưa nhanh sản phẩm Bio Suncare ra thị trường, gia tăng khả năng ứng dụng, tính cạnh tranh, giá trị sản phẩm, cũng như nội địa hóa dần các sản phẩm dân dụng thay vì phải nhập khẩu sản phẩm, công nghệ sản xuất.
Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào là gấc, là nguồn nguyên liệu phong phú tại Việt Nam, có hàm lượng lycopen cao, nên giá cạnh tranh được với các nguồn nguyên liệu khác. Ước tính, với lượng nguyên liệu gấc tươi sử dụng là 5 tấn (giá khoảng 50-80 triệu đồng), khi chuyển thành 10 kg bột nanolycopen, sẽ thu về 500 triệu đồng, mang lại giá trị kinh tế cho nông sản Việt Nam và thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, giúp nông dân ổn định và gắn bó với vùng đất mình đang sống.
Vân Nguyễn (CESTI)