SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát hiện 10 chất chuyển hóa liên quan đến đột quỵ

Chất chuyển hóa là các phân tử nhỏ được tìm thấy trong các tế bào bên trong cơ thể từ các loại thực phẩm chúng ta ăn. Một phân tích mới đây của nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ của 10 chất chuyển hóa được phát hiện trong máu có liên quan đến nguy cơ đột quỵ . Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Neurology, tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ.

Chuyển hóa là phản ứng hóa học xảy ra trong tế bào để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Năng lượng đó giúp duy trì quá trình phát triển tế bào. Các chất chuyển hóa là các sản phẩm của quá trình điều hòa của tế bào. Chúng bao gồm lipid, axit béo, axit amin và carbohydrate. Mức độ của các phân tử nhỏ này có thể biến đổi để phản ứng với các yếu tố khác nhau như bệnh tật, di truyền hoặc môi trường và có thể là các chỉ số về sức khỏe tế bào, sức khỏe tim mạch, thậm chí là sức khỏe tổng quát.

Tiến sỹ Dina Vojinovic, Trung tâm y tế - Đại học Erasmus, Rotterdam, Hà Lan, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật nghiêm trọng, kéo dài trên toàn thế giới. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những phương pháp mới để xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao, xác định nguyên nhân của đột quỵ và phát triển các chiến lược phòng ngừa. Đối với phân tích này, chúng tôi đã kiểm tra một loạt chất chuyển hóa để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến đột quỵ”.

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm đã mời 38.797 người chưa bị đột quỵ tham gia. Những người này cung cấp lịch sử sức khỏe, thực hiện khám sức khỏe và lấy mẫu máu. Các mẫu máu được phân tích bằng công nghệ cộng hưởng từ hạt nhân, sử dụng từ trường, để kiểm tra mức độ của 147 chất chuyển hóa. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã xác định được có bao nhiêu người bị đột quỵ từ 2 đến 15 năm sau. Tổng cộng có 1.791 người bị đột quỵ trong thời gian theo dõi. Các nhà nghiên cứu phát hiện có 10 chất chuyển hóa có liên quan đến nguy cơ đột quỵ.

Mối liên hệ lớn nhất được tìm thấy là với axit amin histidine. Histidine đến từ các nguồn protein như thịt, trứng, sữa và ngũ cốc và là một axit amin thiết yếu giúp duy trì sự sống. Các nhà nghiên cứu nhận thấy histidine có liên quan đến giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, một dạng cơn đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu, chẳng hạn như cục máu đông.

Vojinovic cho biết: “Histidine có thể được chuyển đổi thành histamine, chất đã được chứng minh là có tác động mạnh đến sự giãn nở của các mạch máu. Nó cũng có chức năng như một chất dẫn truyền thần kinh trong não và đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là làm giảm huyết áp và viêm nhiễm”.

Với mỗi một độ lệch của histidine tăng lên thì nguy cơ đột quỵ sẽ thấp hơn 10%. Những điều này không được làm rõ khi tìm hiểu mối tương quan với yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ như huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc và chỉ số khối cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra cholesterol lipoprotein mật độ cao, HDL và HDL2 có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Mỗi người có thể cải thiện mức cholesterol tốt bằng cách tập thể dục nhiều hơn, giảm cân và thay thế chất béo xấu bằng chất béo lành mạnh hơn từ các loại thực phẩm như cá, quả hạch, ô liu và quả bơ.

Cholesterol lipoprotein mật độ thấp là loại cholesterol xấu, cũng như chất béo trung tính có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Các chất chuyển hóa, pyruvate, được tạo ra khi tế bào phân hủy glucose, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Với mỗi độ lệch chuẩn của pyruvate tăng lên, nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 13%.

Pyruvate rất quan trọng để cung cấp năng lượng cho tế bào và đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây là có khả năng làm giảm viêm tuy nhiên nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì vậy cần tiến hành nghiên cứu thêm. Phân tích này cung cấp những hiểu biết mới về nguy cơ đột quỵ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào. Trên cơ sở đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn  cơ chế sinh học cơ bản, mối liên hệ giữa các chất chuyển hóa và nguy cơ đột quỵ”, Vojinovic cho biết thêm. 

                                           Anh Phương (CESTI) – Theo MedicalXpress

Các tin khác: