Nhựa là loại vật liệu được sử dụng phổ biến để sản xuất các đồ dùng sinh hoạt của con người. Tuy nhiên phải mất hàng trăm năm thì nhựa mới có thể phân hủy được trong tự nhiên. Do đó nó là chất có khả năng gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường.
Những năm gần đây, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm những vật liệu mới thân thiện với môi trường như nhựa tái tạo, nhựa sinh học, nhựa hóa dầu,…. Tuy nhiên quá trình sản xuất vật liệu mới tương đối phức tạp, giá thành cao. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất có thể phải sử dụng hóa chất độc hại, đồng thời độ bền cơ học thấp và thiếu độ ổn định khi giữ chất lỏng.
Xuất phát ý tưởng khi phân tích và giải mã quá trình gỗ tự nhiên biến thành bùn. Nhóm nghiên cứu của Yao đã dùng bột gỗ kết hợp với dung môi eutectic sâu (DES) có khả năng phân hủy và tái chế để tạo thành hỗn hợp polymer hữu cơ và cellulose với liên kết hydro. Hỗn hợp này sau đó có thể đúc thành nhựa sinh học. Vật liệu mới này có độ bền cơ học cao, độ ổn định khi giữ chất lỏng và khả năng chống tia cực tím. Nó cũng có thể được tái chế hoặc phân hủy sinh học trong môi trường tự nhiên và có tác động đến môi trường ít hơn so với nhựa gốc dầu mỏ và các loại nhựa phân hủy sinh học khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết, khi chôn các tấm nhựa sinh học xuống đất, chúng sẽ nứt vỡ trong khoảng hai tuần và phân hủy hoàn toàn trong 3 tháng.
“Bên cạnh việc phân hủy nhanh, nhựa sinh học còn có khả năng trở về trạng thái hỗn hợp sệt ban đầu, cho phép lấy lại dung môi và tái sử dụng. Với tôi, đây chính là điều khiến loại nhựa này trở nên đáng quý. Nó có thể được tái chế hoặc phân hủy sinh học. Chúng tôi đã giảm thiểu mọi vật liệu và rác thải ra môi trường", Yao cho biết.
Nhựa sinh học mới này có nhiều công dụng như: đúc thành màng để làm túi và bao bì, chế tạo thành các sản phẩm để sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất ôtô.
Mặc dù hiện nay nhóm nghiên cứu sử dụng vụn gỗ, phế phụ phẩm của các xưởng gỗ, nhưng nếu việc sản xuất nhựa sinh học này được mở rộng, yêu cầu sử dụng một lượng lớn gỗ, có thể có những tác động việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, quản lý đất đai, hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Do đó nhóm nghiên cứu cũng đã hợp tác với các nhà sinh thái để tạo ra các mô hình mô phỏng của rừng, liên kết chu kỳ sinh sinh trưởng của rừng với sự phát triển của sản xuất.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nature Sustainability.
Diệu Huyền (CESTI) - Theo environment.yale.edu.